NGÀY ĐĂNG: 26.04.2024
Mất ngôi "vua" vào tay Trung Quốc
Ngày 29.9, tại TP.HCM, Bộ NN-PTNT và Chương trình Phát triển LHQ (UNDP) phối hợp tổ chức hội thảo "Phát triển thanh long bền vững ở VN". Đây là chương trình nằm trong khuôn khổ dự án "Thúc đẩy đầu tư của tư nhân vào nông nghiệp carbon thấp và ứng phó biến đổi khí hậu, góp phần thực hiện Nghị định thư của VN".
Ông Nguyễn Quốc Mạnh, Trưởng phòng Cây ăn quả và Cây công nghiệp (Cục Trồng trọt), cho biết: Thanh long trước đây là mặt hàng xuất khẩu tỉ USD và VN là "vua" của loại trái cây này. Tuy nhiên, những năm gần đây, diện tích trồng thanh long trên thế giới đã tăng rất nhanh, ước tính hiện nay đạt gần 140.000 - 150.000 ha.
Đứng đầu là Trung Quốc với 67.000 ha, chủ yếu là thanh long ruột đỏ. VN hiện chỉ đứng thứ hai với 55.000 ha gồm cả hai loại thanh long ruột đỏ và trắng. Bên cạnh đó, nhiều nước và vùng lãnh thổ châu Á như Indonesia, Ấn Độ, Thái Lan, Đài Loan cũng có diện tích lên đến vài ngàn héc ta.
Nhìn lại lịch sử tại thị trường nội địa, cây thanh long phát triển mạnh từ năm 2010 - 2020, tốc độ tăng trưởng bình quân 15%/năm. Thời điểm cao nhất, diện tích trồng thanh long lên đến 65.500 ha, sản lượng lên đến gần 1,3 triệu tấn/năm, xuất khẩu nhiều năm liền đạt trên 1 tỉ USD. Tuy nhiên, diện tích trồng thanh long của Trung Quốc tăng trưởng thần tốc, đã vượt qua VN và sản lượng lên đến 1,6 triệu tấn/năm (năm 2021). Chính vì vậy mà những năm gần đây xuất khẩu thanh long của VN giảm sút nghiêm trọng vì Trung Quốc cũng là thị trường chính tiêu thụ quả thanh long của chúng ta.
Bà Trần Thanh Bình, Trưởng phòng Xuất nhập khẩu hàng nông lâm thủy sản (Cục Xuất nhập khẩu), chia sẻ: Năm 2020, xuất khẩu thanh long của VN đạt 1,13 tỉ USD thì thị trường Trung Quốc chiếm đến hơn 1 tỉ. Năm 2021, xuất khẩu thanh long chỉ còn hơn 1 tỉ USD thì thị trường Trung Quốc là 925 triệu USD. Đến năm 2022, xuất khẩu thanh long chỉ còn vỏn vẹn 643 triệu USD và Trung Quốc đạt 517 triệu USD. Những con số trên cho thấy, xuất khẩu thanh long sụt giảm "không phanh" do quá phụ thuộc vào một thị trường.
Cây trồng tỉ USD, vực dậy cách nào?
Theo các chuyên gia, giải pháp đầu tiên là phải điều chỉnh diện tích sản xuất sao cho phù hợp với nhu cầu thị trường; điều chỉnh mùa vụ để tránh trùng với thời điểm thanh long Trung Quốc thu hoạch, biến vụ nghịch từ tháng 10 đến tháng 3 - 4 năm sau thành vụ chính. Bên cạnh đó, không tăng thêm diện tích trồng thanh long, kết hợp nghiên cứu để bố trí cơ cấu giống phù hợp với nhu cầu thị trường cũng như hình thành các vùng sản xuất theo thị trường xuất khẩu, có chứng nhận và có mã số.
Ngoài ra, cần đẩy mạnh việc nghiên cứu và phát triển các sản phẩm chế biến từ trái thanh long; triển khai đồng bộ và quyết liệt các giải pháp để nâng tầm nông sản Việt. Trên cơ sở đó đa dạng hóa thị trường để giảm dần sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Tiếp tục thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối giao thương trực tiếp với các thị trường Ấn Độ, Trung Đông, EU, Mỹ…
Ông Patrick Haverman, Phó trưởng đại diện UNDP tại VN, cho biết: Một số nghiên cứu ở châu Âu cho thấy có 4/5 người tiêu dùng ưu tiên mua các sản phẩm nông nghiệp có dán nhãn giảm phát thải. Do đó, việc thực hiện các biện pháp giảm phát thải, tối thiểu hóa chi phí trong sản xuất cũng như tăng cường chất lượng, mức độ an toàn và giá trị kinh tế của sản phẩm trong toàn chuỗi là điều phải cấp thiết triển khai hiện nay. UNDP đã hỗ trợ cho chương trình chuyển đổi để thanh long trở thành chuỗi giá trị xanh từ năm 2020 đến nay. Nhiều nhà sản xuất thanh long, HTX đã tiếp nhận và thực thi chương trình sản xuất xanh, dẫn đến chất lượng sản phẩm thanh long cao hơn.
"Để phát triển thanh long bền vững, VN cần phải tập trung vào chất lượng hơn là sản lượng. Bên cạnh đó, cần phải duy trì mức độ sản xuất tập trung, và có thể áp dụng các biện pháp về canh tác đạt chuẩn GAP, thích ứng với biến đổi khí hậu. Người sản xuất thanh long cần phải có các chứng nhận về sản xuất và thông lệ sản xuất, cần áp dụng các hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử, hợp tác công tư quan trọng để nâng cấp được mối liên kết trong chuỗi giá trị từ nhà sản xuất, chế biến, xuất khẩu và cùng nhau có thể xây dựng cơ sở hàm logistics hoàn chỉnh để hỗ trợ cho ngành thanh long", ông Haverman nhấn mạnh.
Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam, để phát triển ngành thanh long bền vững thì điều đầu tiên là phải thực hiện quy trình sản xuất an toàn, giảm phát thải và nâng cao chất lượng giá trị của sản phẩm. Thứ hai, phải tổ chức lại sản xuất thanh long theo chuỗi liên kết và cần xác định vai trò của từng thành phần tham gia trong chuỗi. Thứ ba, phải tập trung kết nối chuỗi cung ứng thị trường, bảo đảm an toàn thực phẩm, đảm bảo giá trị gia tăng.