Giới thiệu về cây thanh long
NGÀY ĐĂNG: 26.04.2024

1. ĐẶC TÍNH THỰC VẬT HỌC

Cây thanh long thuộc họ Xương rồng (Cactaceae).
 
Là loại cây thân bò lan: Thân và cành màu xanh, có 3 cạnh, bìa cạnh có nhiều thùy nhỏ tạo thành hình gợn sóng. Đáy mỗi thùy có 3 – 5 gai nhỏ. Cắt ngang thân thấy có 2 phần rõ rệt, phần ngoài là nhu mô chứa diệp lục, phần trong là lõi cứng hình trụ, quang hợp theo kiểu các cây vùng sa mạc. Mỗi năm ra từ 3-4 đợt cành, đợt cành sau kế tiếp đợt cành trước xếp thành từng lớp trên đầu trụ. Trong mùa ra cành, khoảng thời gian giữa 2 đợt ra cành từ 40-50 ngày. Số lượng cành trên cây tăng dần theo tuổi, cây một năm tuổi trung bình có khoảng 30 cành, 2 năm tuổi 70 cành, 3 năm tuổi 100 cành, 4 năm tuổi 130 cành, từ 5 năm tuổi trở đi duy trì khoảng 150 -170 cành. Chiều dài cành từ 80 – 100 cm.
 
Rễ cây thanh long chứa rất ít nước nên giúp cây chịu hạn. Có 2 loại rễ địa sinh và rễ khí sinh. Rễ địa sinh là loại rễ chính, phát triển từ phần lõi của gốc hom bám xuống đất để hút chất dinh dưỡng nuôi cây. Sau khi đặt hom 10-20 ngày thì xuất hiện rễ, số lượng và kích thước rễ tăng dần theo tuổi cây. Rễ địa sinh phân bố chủ yếu ở tầng đất mặt từ 0 – 30 cm. Ở nơi đất xốp và đủ nước tưới rễ mọc sâu hơn.
 
Rễ khí sinh là loại rễ phụ mọc dọc theo thân cây để bám vào cây choái giúp cây leo lên giá đỡ. Những rễ khí sinh phía gốc thân gần đất sẽ đi dần xuống đất thành rễ chính.
 
Hoa thanh long là loại hoa lưỡng tính, tương đối lớn, dài trung bình 25 -35 cm, nhiều lá đài và cánh hoa dính nhau thành ống. Có nhiều nhị đực với vòi nhị đài và một nhụy cái dài 18-24 cm, đường kính 5-8 mm, nuốm nhụy chia làm nhiều nhánh. Hoa thanh long ra từng bông xung quanh cành, có mùi thơm. Hoa tự thụ phấn là chính. Hoa thường nở tập trung từ 3-5 ngày, từ hoa nở đến quả chín 30-35 ngày.

Quả thanh long là loại quả mọng, hình bầu dục có nhiều tai lá xanh (do phiến hoa còn lại), đầu quả lõm sâu thành một hốc. Khi còn non vỏ quả màu xanh, khi chín chuyển màu đỏ hồng. Thịt quả phần lớn màu trắng, một số ít giống có ruột vàng hoặc đỏ. vỏ có thể bóc khá dễ dàng khỏi ruột. Trong ruột quả có rất nhiều hạt nhỏ màu đen như hạt mè khi ăn không phải bỏ hạt. Kích thước quả dài phổ biến từ 12,5-16,0 cm, đường kính 10 – 13 cm, trọng lượng từ 300 – 500 g. Để đạt tiêu chuẩn xuất khẩu quả phải đồng đều, không lớn hoặc nhỏ quá, tai quả phải cứng màu xanh, vỏ quả bóng, màu đỏ đẹp, không có vết côn trùng cắn phá, đặc biệt không được nứt vỏ, không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.

2. YÊU CẦU ĐIỀU KIỆN SINH THÁI

 
Khí hậu
 
Thanh long là cây có nguồn gốc vùng nhiệt đới khô nên chịu nóng và chịu hạn tốt. Nhiệt độ thích hợp nhất từ 21- 29°c, tối đa không quá 40°c. Đặc biệt thanh long rất yếu chịu lạnh, không chịu ẩm độ cao và mưa nhiều. Thích hợp trồng ở vùng có lượng mưa trung bình và có mùa khô rõ rệt. Thanh long ưa cường độ ánh sáng mạnh, nếu bị che nắng hoặc số giờ chiếu sáng ít thân cây nhỏ yếu và chậm ra hoa.
 
Đất đai
Cây thanh long không kén đất, cổ thể trồng trên nhiều loại đất như đất xám bạc màu (Bình Thuận), đất phèn (TP. Hồ Chí Minh), đất đỏ (Đồng Nai), đất thịt hoặc thịt pha cát (Tiền Giang, Long An). Điều chủ yếu là phải có tầng đất canh tác dày từ 30 – 50 cm trở lên, thoát nước trong mùa mưa và đủ nguồn nước tưới mùa khô. Độ pH thích hợp từ 4 – 5.
 
Viện Nghiên cứu Cây ăn quả miền Nam khảo sát một số vườn trồng thanh long ở huyện Chợ Gạo (Tiền Giang), nơi trồng thanh long tập trung, cho thấy đất có tầng canh tác sâu 70 cm thành phần cơ giới chủ yếu là sét, N tổng số 0,07%, P tổng số 0,037%, P dễ tiêu 2,5 mg/100g, K tổng số ở mức trung bình, tỉ lệ mùn 3-4%, pH = 4,3.
 
Ở Bình Thuận, cây thanh long cũng trồng trên nhiều loại đất khác nhau, kể cả đất rửa trôi, bạc màu, đất ruộng lúa 1 vụ… Tuy vậy, thanh long vẫn phát triển tốt nếu được bón nhiều phân hữu cơ và lên liếp để nâng cao tầng đất mặt và thoát nước mùa mưa.
 
Các tỉnh phía Bắc nước ta ít trồng thanh long do có mùa đông lạnh kéo dài, mưa gió nhiều và có nhiều ngày ít nắng.

3. YÊU CẦU DINH DƯỠNG

Cũng như các cây ăn quả khác, cây thanh long cần đầy đủ và cân đối các nguyên tố dinh dưỡng đa lượng NPK và các nguyên tố trung vi lượng như Canxi (Ca), Magiê (Mg), Kẽm (Zn), Sắt (Fe), Đồng (Cu).
 
Trong thời gian đầu mới trồng và giai đoạn tạo cành, cây thanh long cần nhiều đạm (N) và lân (P) để giúp cây phát triển bộ rễ và thân cành, cây khỏe mạnh, xanh tốt, sớm cho quả. Thiếu đạm và lân cây cằn cỗi, cành nhỏ và ngắn, chuyển màu xanh vàng nhạt. Ngược lại nếu thừa đạm thì cành vươn dài, mềm yếu, chống chịu sâu bệnh kém, kéo dài thời gian sinh trưởng nên chậm ra hoa.
 
Kali (K) làm cho cây cứng rắn, tăng sức chống hạn, sớm ra quả, quả to và chất lượng tốt. Để tạo quả rải vụ, kali cùng vớí lân làm tăng tỉ lệ đậu hoa, đậu quả. Thiếu kali cây mềm yếu, cành chuyển màu vàng, có các vệt nâu, dễ bị sâu bệnh phá hại.
 
Các nguyên tố trung vi lượng rất cần cho thanh long để đạt năng suất cao, chất lượng tốt, có trong các loại phân hữu cơ và phân bón lá.